Xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

    Xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

    Xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

    Xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

    Xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

    26/09/2017, 07:10 (GMT+7)

     

    Ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì hội thảo quốc tế "Phát triển mô hình chợ đầu mối nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm" do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

     

     
    Chợ đầu mối góp phần kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn



    Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chợ đầu mối nông sản là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được SX với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy không chỉ SXNN mà còn thương mại, dịch vụ phát triển. 

    “Hiện nay, mạng lưới chợ nông sản tại Việt Nam đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt, như chợ đầu mối nông sản Bình Điền ở TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối còn thiếu, nhất là cơ chế, chính sách để thu hút DN đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hoá”, Thứ trưởng Nam nói. 

    Cũng theo Thứ trưởng, vai trò của các DN, chính quyền địa phương, HTX trong việc hình thành chợ đầu mối, quản lý chợ dầu mối là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ đầu mối, cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

    “Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng đề án, hình thành cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống chợ đầu mối”, Thứ trưởng Nam thông tin. 

    Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chợ đầu mối, ông Florian de Saint Vincent, Giám đốc các dự án quốc tế thuộc Cty Rungis International cho biết, chợ đầu mối là thị trường giao dịch trực tiếp, nơi người bán (bán buôn, người SX, nhà NK...) và người mua tại cùng một địa điểm. Tại chợ đầu mối, các quy định về giá thuê, giờ làm việc và các quy định cụ thể đảm bảo sân chơi bình đẳng và thúc đẩy các giao dịch minh bạch. 

    Ông Vincent cho hay, chợ đầu mối Rungis (Pháp) hiện có tổng doanh thu hơn 12 tỷ Euro, chiếm 30% tất cả các loại rau, quả bán tại Pháp; có hơn 200 DN trong và ngoài nước tham gia hoạt động tại chợ... Vai trò của chợ đầu mối là một nguồn cung cấp thay thế cho các nhà bán lẻ độc lập; đảm bảo minh bạch về giá cả (được công bố hàng ngày); thúc đẩy vệ sinh thực phẩm... 

    Về lợi ích kinh tế, ông Florian de Saint Vincent cho rằng, có rất nhiều sản phẩm, với tất cả phẩm chất đặc trưng, hỗ trợ sự đa dạng của các kênh phân phối; mở cửa cho thị trường XK; SX quá mức có thể được giải quyết khi cần thiết... 

    Ông Florian de Saint Vicent cũng chỉ ra thách thức lớn đối với chợ đầu mối ở Việt Nam, đó là việc sử dụng các đầu vào cho SXNN như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, NK bất hợp pháp… Ngoài ra, trình độ quản ký kém, thiếu khả năng truy nguyên và nhiễm chéo cũng là những yếu tố quan trọng trong việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    “Nhưng thách thức lớn nhất là thay đổi việc SX của một số lượng lớn các nhà SX nhỏ. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn đối với công chúng, với mức độ lo lắng cao mỗi lần có một sự cố an toàn thực phẩm cao”, ông Vincent nói. 

    Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm chợ đầu mối, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cần tăng cường phát triển liên kết SX theo chuỗi giá trị, liên kết người SX với các chuỗi bán lẻ lớn; đảm bảo cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản, giảm chi phí trung gian. 

    Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, với kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở một số nước trên thế giới, cộng với ý kiến từ các đại biểu, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan định hướng cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm xây dựng mạng lưới chợ đầu mối hiệu quả, phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

    Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính đến cuối năm 2016, cả nước có 8.513 chợ, chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24%; trong đó, có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%), nhiều nhất ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các mặt hàng được bày bán trong chợ rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi.
     
    Nguồn :nongnghiep.vn
    Nhà cung cấp
      Facebook chat